Private Equity (Góp vốn tư nhân) được định nghĩa theo nhiều cách và thay đổi theo từng quốc gia. Tuy nhiên, theo cách định nghĩa phổ biến nhất Private Equity được xem như một loại tài sản bao gồm các phần vốn góp vào các doanh nghiệp chưa niêm yết trong khoảng thời gian trung hạn hoặc dài hạn đề giúp doanh nghiệp đó phát triển và thành đạt.
Một số nhà đầu tư lại cho rằng Private Equity chỉ đơn thuần là đầu tư bằng việc mua lại cổ phần công ty, một số khác thì cho rằng Private Equity bao gồm tất cả các loại như mua lại bằng vốn vay nợ (Leverage Buy-out), đầu tư vốn mạo hiểm (Venture Capital), hay vốn phát triển (Growth Capital).
Ở Anh, Private Equity ra đời vào giai đoạn cuối thế kỷ 18 với sự có mặt ban đầu của một số nhà đầu tư tư nhân lành mạnh, họ góp vốn vào các dự án đầu tư giúp chúng trở nên thành công. Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, Private Equity trở thành một ngành công nghiệp với sự ra đời của hàng loạt các công ty Private Equity. Khoảng hơn 80% các công ty này đang nằm ở Anh, hàng năm cung cấp hàng tỉ Bảng Anh cho các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Để đơn giản hóa, có thể hiểu Private Equity là một công cụ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, thuộc phần vốn chủ sở hữu, do một nhà đầu tư (phần lớn trong các trường hợp là một định chế tài chính) mua tạm thời một phần vốn của doanh nghiệp (đóng vai trò như một chủ sở hữu tạm thời). Các doanh nghiệp này thường là các doanh nghiệp chưa niêm yết, có tiềm năng lớn, năng động trong cách ngành có nhiều hứa hẹn với mục đích là kiếm lời bằng việc tham gia vào vốn của doanh nghiệp trong khoảng thời gian trung và dài hạn.
Ưu điểm của loại hình huy động vốn này là thông thường các chủ doanh nghiệp không phải lo đến việc mất quyền làm chủ của mình (mặc dù tham gia vào vốn chủ sở hữu và đứng vai trò như một chủ sở hữu doanh nghiệp nhưng chỉ trong một thời gian quy định bởi hợp đồng giữa chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư này, các chủ doanh nghiệp có quyền đặt ra các giới hạn về quyền lực trong doanh nghiệp), chi phí ban đầu không quá cao, không yêu cầu trả theo kỳ hạn và quy mô thông thường là đủ mức độ lớn theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đang chuẩn bị bắt đầu thực hiện hoặc các dự án tương lai. Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể tận dụng sự hỗ trợ về các mặt khác của bên góp vốn như quản lý, kế toán, công nghệ mới.
Đây có thể coi như là một công cụ tài chính huy động vốn phái sinh mà nhược điểm của nó là nhà đầu tư Private Equity không sẵn sàng tham gia vào tất cả các doanh nghiệp, đồng thời có thể đặt ra các điều kiện không có lợi cho DN hoặc nếu nhà đầu tư đã từng tham gia vào các doanh nghiệp khác không thành công trong quá khứ thì cũng có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.