Thu nhập ròng là tổng thu nhập của một doanh nghiệp, hay còn gọi là lợi nhuận thuần. Thu nhập ròng được tính toán từ tổng thu nhập có điều chỉnh thêm các khoản chi phí hoạt động, khấu hao, lãi suất, thuế và các chi phí khác liên quan đến họat động kinh doanh của doanh nghiệp. Số liệu này được thể hiện trên báo cáo thu nhập, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, đó là số liệu tính toán nằm ở dòng cuối cùng nên còn được gọi bằng tên tiếng Anh là "the bottom line". Chỉ số này cũng được sử dụng để tính toán thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS).
Theo các chuẩn mực kế toán Việt Nam, thu nhập ròng (lãi ròng) được tính theo công thức sau:
Thu nhập ròng = I1 + I2 + I3 - C1 - C2 - C3 - C4 - C5
Trong đó:
- I1 = Doanh thu thuần
- I2 = Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính
- I3 = Các khoản thu nhập bất thường
- C1 = Giá vốn hàng bán
- C2 = Chi phí bán hàng
- C3 = Chi phí quản lý doanh nghiệp
- C4 = Các khoản chi phí bất thường
- C5 = Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp
Cũng giống các tài khoản kế toán khác, thu nhập ròng cũng có thể được làm đẹp hơn thông qua các thủ thuật kế toán bằng cách làm tăng tổng doanh thu hoặc che giấu các khoản chi phí. Khi đưa ra quyết định dựa trên số liệu về thu nhập ròng, các nhà đầu tư cần phải xem xét lại chất lượng của các số liệu trong công thức tính toán ra kết quả này.
Xét về phương diện tài chính cá nhân, sau khi trừ các khoản thuế, trả nợ, các khoản khấu trừ... thì có thu nhập chịu thuế. Thu nhập này sau khi trừ đi khoản thuế phải nộp ta được thu nhập ròng. Ví dụ, giả định rằng bạn có tổng thu nhập là 500.000.000VNĐ, tổng các khoản giảm trừ và trả nợ là 200.000.000VNĐ. Như vậy bạn sẽ có thu nhập trước thuế là 300.000.000VNĐ. Giả sử rằng bạn phải đóng 50.000.000VNĐ thuế thu nhập, số tiền 250.000.000VNĐ còn lại chính là thu nhập ròng của bạn.