Thuyết "Bàn tay vô hình" - The theory of the Invisible Hand
Thuyết "Bàn tay vô hình" được Adam Smith – nhà kinh tế học người Scotland đưa ra trong những năm của thế kỉ 18 mà giá trị của nó đến nay vẫn còn được công nhận. Theo Adam Smith thì "Bàn tay vô hình" có nghĩa là: "Trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Ai cũng muốn thế cho nên vô tình chung đã thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng."
Ông dùng thuật ngữ này mô tả khả năng của cơ chế thị trường trong việc điều chỉnh cung cầu trên thị trường. Và ví sức mạnh của cơ chế thị trường như bàn tay vô hình định hướng người bán và người mua, phân bố nguồn lực kinh tế đạt được hiệu quả xã hội lớn nhất mà không cần sự can thiệp của chính phủ. Theo quan điểm của Adam Smith chính phủ chỉ nên giữ chức năng quản lý. Bởi, "Chính bàn tay vô hình với tư cách là cơ chế tự cân bằng của thị trường cạnh tranh làm cho phúc lợi cá nhân và hiệu quả kinh tế đạt tối đa. Trong khi chạy theo lợi ích riêng của mình, con người phụng sự xã hội nhiều hơn anh ta chủ trương làm điều đó”
Tư tưởng của Adam Smith thích hợp với chủ nghĩa tư bản trong một thời kì dài - thời kì tự do cạnh tranh. Nhưng về sau này, khi vấp phải những cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc thì những nhà kinh tế học khác lại kêu gọi đến bàn tay hữu hình của Nhà nước để điều chỉnh kinh tế.
Để khắc phục những khuyết tật của cơ chế bàn tay vô hình, nền kinh tế hiện đại cần được điều hành bởi sự kết hợp giữa bàn tay vô hình của thị trường với bàn tay hữu hình của Nhà nước thông qua các kênh luật pháp, thuế và nhiều biện pháp kinh tế, tài chính khác.
|