Thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao - Earnings Before Interest, Taxes, Depreciation and Amortization
Thông thường thì các nhà đầu tư hay chú ý tới dòng tiền, thu nhập ròng và doanh số như là các thước đo cơ bản về giá trị và sức mạnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong những năm gần đây đã xuất hiện một chỉ số mới trong các báo cáo quý và báo cáo kế toán, đó chính là EBITDA. Đây là một chỉ số thể hiện tình hình tài chính của một công ty, được tính bởi công thức:
EBITDA = Doanh thu - Các khoản chi phí (trừ tiền trả lãi, thuế, khấu hao)
EBITDA có thể được sử dụng để phân tích và so sánh mức lãi giữa các công ty hoặc các ngành bởi chỉ số này đã loại bỏ được ảnh hưởng do các quyết định về mặt kế toán và tài chính gây ra. EBITDA ban đầu được sử dụng trong hoạt động sáp nhập, thôn tính vào những năm 80, khi đó chỉ số này chủ yếu được dùng để đánh giá khả năng thanh toán nợ của một công ty. Sau đó, nó trở nên phổ biến hơn trong các ngành có tài sản giá trị lớn, cần chiết khấu trong thời gian dài. Ngày nay thì EBITDA được sử dụng phổ biến trong rất nhiều công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Một nhầm lẫn thường gặp với EBITDA đó là người ta nghĩ chỉ số này thể hiện khả năng thu tiền. EBITDA là một chỉ số tốt để đánh giá khả năng sinh lợi nhưng không phải là thước đo đánh giá nguồn tiền. EBITDA cũng không tính đến lượng tiền mặt cần thiết để chi trả các chi phí hoạt động cũng như thay thế các loại thiết bị cũ, mà khoản chi phí này là tương đối lớn. Do đó chỉ số này thường được các công ty sử dụng để đánh bóng hình ảnh của mình, tạo ra một con số kế toán tương đối đẹp về khả năng kiếm lời. Các nhà đầu tư cũng cần phải phân tích kĩ các chỉ số tài chính khác để chắc chắn rằng công ty không cố tình che giấu sự thật nào đó đằng sau EBITDA.
Những người khởi xướng ra EBITDA thì cho rằng chỉ số này phản ánh một cách rõ ràng hơn về tình hình hoạt động của công ty vì nó đã loại bỏ các khoản chi phí có thể sẽ che đi những tiến bộ thực sự. Lãi suất - một trong các nhân tố quan trọng trong các quyết định tài chính đã bị bỏ qua. Thuế cũng không được tính đến vì chúng có thể thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào các khoản lãi, lỗ trong các kì trước, sự biến động này có thể bóp méo thu nhập ròng thực tế. Cuối cùng, EBITDA loại bỏ đi yếu tố chủ quan, tuỳ ý trong việc tính khấu hao ví dụ như thời gian hữu ích, giá trị thặng dư, và các phương pháp tính khấu hao khác nhau.
Bằng việc loại trừ các yếu tố này EBITDA khiến cho việc so sánh năng lực tài chính giữa các công ty dễ dàng hơn. Chỉ số này cũng rất hữu dụng trong việc đánh giá các công ty có cơ cấu vốn, mức thuế và chính sách khấu hao khác nhau. Đồng thời các nhà đầu tư cũng có thể xác định được lượng tiền mà một công ty mới mở hoặc công ty vừa cơ cấu lại có thể tạo ra trước khi thanh toán cho chủ nợ và cơ quan thuế. Lý do chính EBITDA' được sử dụng phổ biến là chỉ số này cho thấy mức lợi nhuận cao hơn thông thường. Công ty sẽ khiến cho bức tranh tài chính của mình thêm sáng sủa bằng cách đưa thêm chỉ số EBITDA, đánh lạc hướng chú ý của các nhà đầu tư khỏi tỉ lệ nợ và chi phí hoạt động cao.