Bán phá giá - Dumping
Bán phá giá là hành động bán một hàng hoá nào đó với mức giá thấp hơn chi phí nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh hoặc giành thêm thị phần.
Trong thương mại quốc tế, bán phá giá được hiểu là hàng hoá xuất khẩu được bán sang một nước khác với giá thấp hơn “giá trị bình thường” của nó và gây “tổn hại vật chất” đối với ngành sản xuất nội địa (theo điều VI của GATT). Có thể thấy rằng, việc xác định mức giá bị coi là “phá giá” rất phức tạp, vì nó liên quan đến hàng loạt vấn đề như xác định chi phí sản xuất, xác định mức độ thiệt hại tiềm năng và thực tế.
Ở Mỹ bán phá giá được hiểu là việc bán hàng tại thị trường Mỹ với mức giá thấp hơn mức giá hàng hoá so sánh tại thị trường nội địa của nước xuất khẩu; việc bán các mặt hàng đó gây ra hoặc đe dọa thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất của Mỹ.
Đối với Cộng đồng châu âu (EC) thì phá giá liên quan đến bất cứ hàng hoá nhập khẩu nào với giá thấp hơn chi phí. Quy chế chống bán phá giá của EC năm 1996 cho phép áp dụng thuế chống phá giá trong các điều kiện:
- Giá hàng hoá bán trên thị trường EC thấp hơn giá trên thị trường của nước sản xuất;
- Hàng hoá nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa ngành sản xuất của EC như là việc mất thị phần, lợi nhuận, việc làm…
Biện pháp bán phá giá có thể được sử dụng với tư cách phản ứng ngắn hạn để đối phó với tình hình suy thoái trong nước, nghĩa là sản lượng dư ra được đổ bán tháo ở nước ngoài; hoặc với tư cách một chiến lược dài hạn để tham nhập thị trường xuất khẩu hoặc đẩy đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường.
Khi các công ty bán phá giá đã chiếm được địa vị vững chắc trên thị trường, họ thường tăng giá lên để tạo ra lợi nhuận. Cho dù được vận dụng với mục đích nào thì biện pháp bán phá giá vẫn bị coi là hình thức buôn bán không công bằng và bị các hiệp định thương mại điều chỉnh.
|